MỘT SỐ NHÀ KHOA HỌC TIÊU BIỂU CỦA VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM

Cố Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa

GS. VS. Trần Đại Nghĩa
(1913-1997)

Giáo sư Trần Đại Nghĩa, tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913 tại xã Chánh Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Phạm Quang Lễ sinh ra trong một gia đình nhà giáo nghèo ở miền quê Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, một miền quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Mồ côi cha lúc 6 tuổi, mẹ và chị gái đã tần tảo nuôi em vượt khó ăn học. Phạm Quang Lễ luôn ghi nhớ lời căn dặn cuối cùng của cha trước khi đi xa: “...phải lo học hành đến nơi đến chốn,… phải biết mang hiểu biết của mình giúp ích cho đời”. Và giữa năm 1933, người thanh niên thông minh giàu nghị lực Phạm Quang Lễ đã thi đỗ đầu hai bằng tú tài: Tú tài ta và tú tài tây. Nhưng vì nhà nghèo, không có tiền đi Hà Nội để học tiếp, Phạm Quang Lễ quyết định đi làm để giúp mẹ, giúp chị và nuôi chí vươn lên, chờ thời cơ.

Được nhà báo Vương Quang Ngươu - một việt kiều trí thức yêu nước tận tâm giúp đỡ, đã vận động Hội ái hữu của Trường Chasseloup-Laubat cấp cho Phạm Quang Lễ học bổng một năm, tháng 9/1935 Anh lên tàu thủy đi Pháp du học. Trong lòng Phạm Quang Lễ luôn luôn nung nấu một hoài bão lớn thầm kín: Học để có kiến thức đầy đủ cho việc nghiên cứu, thiết kế và chế tạo vũ khí để sau này trở về phục vụ cho sự nghiệp giải phóng đất nước.

Sau những năm tháng học tập cần cù, với trí thông minh và nghị lực cao, Phạm Quang Lễ đã nhận được cùng một lúc ba bằng đại học: Kỹ sư cầu đường, kỹ sư điện và cử nhân toán học. Sau đó Anh còn thi và lấy tiếp bằng Kỹ sư hàng không, bằng của Trường mỏ và Trường đại học bách khoa.

Từ năm 1936, sinh viên Phạm Quang Lễ đã được nghe biết đến tên tuổi Nguyễn Ái Quốc. Từ thời điểm này, tư tưởng yêu nước của Nguyễn Ái Quốc đã định hướng về mặt chính trị cho người thanh niên Phạm Quang Lễ.

Ngày 20/10/1946, Bác Hồ từ Paris trở về và Phạm Quang Lễ cũng theo Bác trở về Tổ quốc sau hơn 11 năm du học.

Được Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ, kỹ sư Trần Đại Nghĩa đã cùng nhiều đồng chí xây dựng và phát triển ngành quân giới, chế tạo ra nhiều loại vũ khí mới trong điều kiện vô cùng thiếu thốn về vật tư thiết bị, trong đó nổi bật nhất là súng và đạn Bazoka, súng không giật SKZ góp phần quan trọng để quân đội ta chiến thắng trên chiến trường. Kỹ sư Trần Đại Nghĩa đã mở nhiều lớp đào tạo và bồi dưỡng lý thuyết và thực hành chế tạo vũ khí cho cán bộ, công nhân ngành quân giới trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến. Với những cống hiến hết mình, tại Đại hội anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất ở Việt Bắc năm 1952, kỹ sư Trần Đại Nghĩa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, một trong bảy Anh hùng lao động đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Là một trí thức đi học ở Châu Âu đã nhiều năm, mang một lòng nhiệt tình về phụng sự tổ quốc, phục vụ kháng chiến, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa đã có công to trong việc xây dựng quân giới, luôn luôn gần gũi, giúp đỡ, dạy bảo và học hỏi anh em công nhân, đã thắt chặt lý luận với thực hành".

Từ những năm 1950 cho đến cuối đời, nhà khoa học Trần Đại Nghĩa được Đảng và Nhà nước tin tưởng và giao nhiều trọng trách quan trọng: Cục trưởng Cục quân giới, Cục trưởng Cục pháo binh, Phó chủ nhiệm Tổng cục hậu cần rồi Phó chủ nhiệm Tổng cục kỹ thuật (Bộ quốc phòng). Từ Thứ trưởng Bộ Công thương rồi Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, dù ở cương vị nào Ông cũng hoàn thành công việc được giao một cách xuất sắc và lại tiếp tục được cử giữ nhiều trọng trách mới: Phó chủ nhiệm Uỷ ban kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Uỷ ban kiến thiết cơ bản Nhà nước. Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học kỹ thuật Nhà nước. Hoà bình lập lại (1975), Ông đảm nhiệm vị trí Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam rồi Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã qua Hiệu trưởng đầu tiên trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Uỷ viên Ban chấp hành Tổng công đoàn Việt Nam, Cố vấn Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, Đại biểu quốc hội khoá II, III. Mỗi chặng đường công tác thành công của ông đều được ghi nhận bằng những huân chương và giải thưởng cao quý như: Danh hiệu Anh hùng lao động, huân chương kháng chiến, huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh và còn được bầu là Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Liên Xô (trước đây).

GS.VS Trần Đại Nghĩa sống rất giản dị, mẫu mực được nhân dân cả nước và đồng nghiệp yêu quý, mến phục. GS.VS Trần Đại Nghĩa là người đại diện xuất sắc cho đội ngũ khoa học nước nhà. Các công trình nghiên cứu của Ông được quốc tế đánh giá cao.

Cố Giáo sư Lê Văn Thiêm

GS.TSKH. Lê Văn Thiêm
(1918-1991)

Giáo sư Lê Văn Thiêm sinh ngày 29/3/1918 tại xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Mồ côi mẹ từ năm 13 tuổi. Năm 1937 thi đỗ tú tài phần thứ nhất, 1939 thi đỗ thứ nhì trong kỳ thi kết thúc lớp P.C.B, nhờ vậy được cấp học bổng sang Pháp du học.

Giáo sư Lê Văn Thiêm là một tài năng toán học xuất sắc, có công lớn trong việc xây dựng và phát triển ngành toán học Việt Nam. Ông là một trong những người đầu tiên giải được Bài toán ngược của Lý thuyết phân phối giá trị hàm phân hình, hiện nay trở thành kết quả kinh điển trong lý thuyết này. Xây dựng một số phương pháp độc đáo trong vật lý toán.

Năm 1963, nghiên cứu công trình về ứng dụng hàm biến phức trong lý thuyết nổ, vận dụng phương pháp Lavrentiev, GS Thiêm cùng các học trò tham gia giải quyết thành công một số vấn đề thực tiễn ở Việt Nam: Tính toán nổ mìn buồng mỏ đá Núi Voi lấy đá phục vụ xây dựng khu gang thép Thái Nguyên (1964); Phối hợp với Cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng lập bảng tính toán nổ mìn làm đường (1966); Phối hợp với Viện Thiết kế Bộ Giao thông vận tải tính toán nổ mìn định hướng để tiến hành nạo vét kênh Nhà Lê từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh (1966 – 1967).

Sau khi Viện Toán học thành lập, GS nhận thấy cần ứng dụng hàm biến phức sang các lĩnh vực khác như: lý thuyết đàn hồi, chuyển động của chất lỏng nhớt,… Nhiều vấn đề lớn của đất nước như: Tính toán nước thấm và chế độ dòng chảy cho các đập thuỷ điện Hòa Bình, Vĩnh Sơn; Tính toán chất lượng nước cho công trình thuỷ điện Trị An,… đã được GS và những người cộng tác như: Ngô Văn Lược, Hoàng Đình Dung, Lê Văn Thành, … nghiên cứu giải quyết. Kết hợp nghiên cứu lý thuyết với ứng dụng, Lê Văn Thiêm đề xuất một phương pháp độc đáo sử dụng nguyên lý thác triển đối xứng của hàm giải tích để tìm nghiệm tường minh cho bài toán thấm trong môi trường không đồng chất. Công trình này được đánh giá cao, được đưa vào cuốn sách chuyên khảo “The Theory of Groundwater Movement” (Lý thuyết chuyển động nước ngầm) của nữ Viện sĩ người Nga P.Ya.Polubarinova Kochina, xuất bản ở Matxcơva năm 1977.

Ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ ở Đức năm 1944 về Giải tích phức, Luận án Tiến sĩ Quốc gia ở Pháp năm 1948 và cũng là người Việt Nam đầu tiên được mời làm Giáo sư Toán học và Cơ học tại Đại học Tổng hợp Zuyrich (Thụy Sĩ, 1949).

Ông là Hiệu trưởng của hai trường Đại học Khoa học cơ bản, Sư phạm Cao cấp (1950 – 1954), Giám đốc Đại học Khoa học Hà Nội (1954 – 1956), Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956 – 1970), Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học (1970 – 1980), Hội trưởng đầu tiên của Hội Toán học Việt Nam (1966 – 1988), Tổng biên tập đầu tiên của hai tạp chí “Acta Mathematica Vietnamica” và “Vietnam Journal of Mathematics”.

Là Đại diện toàn quyền của Việt Nam tại Viện Liên Hợp nghiên cứu hạt nhân Dubna, Liên Xô (1956 – 1980), Đại biểu Quốc hội khoá II và khoá III. Huân chương Kháng chiến hạng 3, Huân chương Lao động hạng 2, Huân chương Kháng chiến chống Mĩ cứu nước hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996) về Cụm công trình nghiên cứu cơ bản của toán học lý thuyết và những bài toán ứng dụng (1960-1970).

Cố Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu

GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu
(1938-2022)

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu sinh ngày 21-7-1938 tại thị xã Hà Đông (Hà Tây). Năm 1956, Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Khoa học Hà Nội; từ 1956 -1960, sau khi tốt nghiệp cử nhân Vật lý loại xuất sắc, Ông được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Tháng 10 năm 1960, Ông được cử đi đào tạo tại Liên Xô. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, trí thông minh siêu việt và sự cần cù, miệt mài, được học tập và làm việc trong môi trường khoa học tiên tiến, với những người thày, đồng nghiệp là những nhà vật lý danh tiếng như Viện sỹ Bogoliubov,..  của Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna, Ông đã nhanh chóng đạt được học vị Tiến sỹ (1963) và Tiến sỹ khoa học Toán-Lý (1964), trở thành Giáo sư vật lý của Trường Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp danh tiếng từ năm 1968, khi mới 30 tuổi. Thành tích nghiên cứu khoa học của Ông đã được Nhà nước Liên Xô ghi nhận bằng sự kiện trao tặng Giải thưởng Lê-nin về Khoa học và Kỹ thuật năm 1986, được Nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Kỹ thuật năm 1996, và nhiều giải thưởng khác.

Năm 1982, Ông được bầu là Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô; năm 1984 là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Đức và Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba, là Chủ tịch Trung tâm Vật lý lý thuyết Châu Á-Thái Bình Dương (APCTP, nhiệm kỳ 1996-2010). Cùng với vai trò là nhà khoa học và đào tạo đỉnh cao, Ông đã được Đảng và Nhà Nước giao nhiều trọng trách quản lý và lãnh đạo khác nhau. Năm 1969, Ông được giao thành lập Viện Vật lý, trở thành Viện trưởng sáng lập Viện Vật lý cho đến năm 1975. Từ năm 1983 Ông là Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam cho đến 1993, là Giám đốc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia đến 1994, là người kế nhiệm xuất sắc của Viện trưởng sáng lập Viện Khoa học Việt Nam – Viện sỹ, anh hùng Trần Đại Nghĩa. Ông đã chủ trì xây dựng đề án thành lập và là người sáng lập nhiều cơ sở nghiên cứu, đào tạo, xuất bản khác trong nước (Viện Khoa học vật liệu (6/1993) trực thuộc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; tạp chí quốc tế Advances in Natural Sciences: Nanoscience and nanotechnology, Trường Đại học công nghệ thuộc Đại học Quốc Gia Hà Nội;...). Ở cương vị này, Ông đã thể hiện là người có tư duy bao quát, có tầm nhìn xa mang tính chiến lược, luôn quan tâm tới nghiên cứu khoa học cơ bản để làm nền tảng cho phát triển công nghệ, với ví dụ điển hình là đã phát động và cổ vũ, tổ chức triển khai thành công các Chương trình nghiên cứu Vật liệu nanô (khởi đầu từ năm 1997) và Chương trình Phát triển vật lý (2015); luôn định hướng các nghiên cứu phát triển công nghệ cao phục vụ cho những ứng dụng thực tế, đáp ứng nhu cầu thiết thực của đất nước, với ví dụ điển hình là công trình thoát lũ ra biển tây cho đồng bằng sông Cửu Long, tạo được vùng trồng lúa phì nhiêu mà trước đó là nơi chứa phèn.

Với uy tín và tầm ảnh hưởng của mình, Ông được nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước qua các thời tham vấn và Ông đã tư vấn thành công cho nhiều chính sách quan trọng liên quan tới sự phát triển của đất nước. Ông là đảng viên 53 năm tuổi Đảng của Đảng cộng sản Việt Nam, là Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, VII, và VIII; Đại biểu quốc hội các khóa IV, V, VII, VIII, IX và X. Ông đã được tặng thưởng nhiều Huân chương vì những thành tích đóng góp cho sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ và đào tạo: Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước Hạng II, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân,...

Cố Giáo sư Hoàng Tụy

GS. Hoàng Tụy
(1927-2019)

Giáo sư Hoàng Tụy sinh ngày 17-12-1927 tại Xuân Đài, Điện Bàn, Quảng Nam, là cháu cụ Phó bảng Hoàng Diệu. Giỏi văn học Pháp, nhưng ngay từ thời trung học, Hoàng Tụy đã bộc lộ thiên hướng toán học.

"Nhảy cóc" hai lớp, là thí sinh tự do, ông vẫn đỗ đầu kỳ thi tú tài phần một vào tháng 5-1946, và sau đó bốn tháng, đỗ đầu tú tài toàn phần ban toán ở Huế. Học Đại học Khoa học ở Hà Nội nhưng dở dang. Rồi ông được mời dạy toán tại Trường trung học Lê Khiết ở vùng tự do Liên khu V.

Năm 1951, ông theo học Trường khoa học do thầy Thiêm phụ trách. Trường Khoa học cơ bản chuyển sang Khu Học xá ở Nam Ninh.

1954, Hoàng Tụy bắt đầu dạy toán tại Trường đại học Khoa học, sau là Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.

Tháng 3-1959, Hoàng Tụy trở thành một trong hai người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ khoa học toán - lý tại Trường Lô-mô-nô-xốp, Mát-xcơ-va.

Trong một công trình được công bố năm 1964, ông đưa ra được một lát cắt độc đáo không những để giải nhiều bài toán tối ưu toàn cục, mà còn để giải những bài toán quy hoạch tổ hợp. Phương pháp do Hoàng Tụy đề xuất về sau, được giới toán học quốc tế gọi là "lát cắt Tụy" (Tuy's cut) và được coi là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự ra đời của một chuyên ngành toán học mới: Lý thuyết tối ưu toàn cục.

Từ năm 1961 đến 1968 ông là Chủ nhiệm Khoa Toán trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Là Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam từ năm 1980 đến 1989. Là tác giả của trên 100 công trình đăng trên các tạp chí có uy tín quốc tế về nhiều lĩnh vực khác nhau của toán học như: Quy hoạch Toán học, Tối ưu toàn cục, Lý thuyết điểm bất động, định lý minimax, Lý thuyết các bài toán cực trị, Quy hoạch lõm,…

Vào tháng 8-1997, tại Viện Công nghệ Linköping (Thụy Điển), đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề Tìm tối ưu từ địa phương đến toàn cục được tổ chức để tôn vinh Giáo sư Hoàng Tụy, "người đã có công trình tiên phong trong lĩnh vực tối ưu toàn cục và quy hoạch toán học tổng quát" và nhân dịp giáo sư tròn 70 tuổi.

Cuốn sách chuyên khảo của Giáo sư Hoàng Tụy và Giáo sư Rây-nơ Hốt (CHLB Đức) viết bằng tiếng Anh Global Optimization - Deterministic Approches (Tối ưu toàn cục - tiếp vận tất định) dày 694 trang, được Springer - Verlag in đi in lại nhiều lần.

Sang thập niên 90, Giáo sư Hoàng Tụy chuyên nghiên cứu quy hoạch D.C. Năm 1996, ông cùng Giáo sư Nhật Bản Hi-rô-si Kô-nô và nhà toán học trẻ Phan Thiên Thạch viết chung bằng tiếng Anh cuốn sách chuyên khảo nhan đề Optimization on Low Rank Nonconvex Structures (Tối ưu hóa trên những cấu trúc không lồi dạng thấp) dày 472 trang, đang được Kluwer Academic Publishers in đồng thời ở Mỹ, Anh, Hà Lan...

Một cuốn sách khác, bộ Giáo trình đào tạo tiến sĩ chuyên ngành tối ưu toàn cục, do Hoàng Tụy viết bằng tiếng Anh, cũng được nhà xuất bản nói trên in ở Mỹ và châu Âu trong năm 1997.

Ông là tổng biên tập của 2 tạp chí Toán học Việt Nam (1980 -1990), Uỷ viên ban biên tập của 3 tạp chí toán học quốc tế, Tiến sĩ danh dự trường Đại học Linköping, Thụy Điển (1995), Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996).

Ông đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực quy hoạch toán học và tối ưu. Là một trong những nhà toán học đầu tiên của Việt Nam có công xây dựng ngành toán học Việt Nam, là Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, đưa việc áp dụng vận trù vào Việt Nam, đào tạo các thế hệ toán học trẻ cho đất nước.

Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đặng Vũ Minh

GS. TSKH. Đặng Vũ Minh

Giáo sư Đặng Vũ Minh sinh ngày 11/9/1946 tại Hà Nội, quê xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông tốt nghiệp khoa Hoá học, Trường Đại học Tổng hợp Mat-xcơ-va (Liên Xô) năm 1968, bảo vệ luận án Tiến sĩ năm 1978 và luận án Tiến sĩ khoa học năm 1984 tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Năm 1991, ông được phong chức danh Giáo sư. Năm 1999, ông được bầu làm Viện sĩ nước ngoài Viện Hàn lâm khoa học Nga.

Giáo sư Đặng Vũ Minh bắt đầu làm công tác nghiên cứu từ năm 1968 tại Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Ông đã từng qua các chức vụ: Phó Viện trưởng Viện Vật lý (1988-1992), Viện trưởng Viện Hoá học (1992-2002), Giám đốc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia (1994 đến tháng 1-2004). Từ tháng 1 năm 2004 đến tháng 2 - 2008, ông là Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Giáo sư Đặng Vũ Minh là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu trên các lĩnh vực địa hoá đồng vị, hoá học và công nghệ các nguyên tố hiếm. Ông cũng là đồng tác giả của cuốn sách chuyên đề "Sản phẩm phân hạch của các nguyên tố siêu u-ran trong vũ trụ" do Nhà xuất bản Nauka xuất bản bằng tiếng Nga tại Mat-xcơ-va năm 1984.

Giáo sư Đặng Vũ Minh là Chủ tịch Hội Phân tích Hoá - Lý - Sinh Việt Nam và Tổng biên tập tạp chí Phân tích Hoá - Lý - Sinh. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005 (cùng với 4 đồng tác giả)